Nghệ Sĩ Anna Aglatova Gây Ấn Tượng Mạnh với Bản Romance Việt Nam ’Về Bên Mẹ’
- Ngày đăng: 24-09-2024
- Lượt xem: 310
Trong một buổi hoà nhạc tại Nhạc viện Moskva vào tối ngày 6 tháng 5 vừa qua, nghệ sĩ độc tấu hàng đầu của Nga, Anna Aglatova, đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi thể hiện bản romance Việt Nam mang tên ’Về Bên Mẹ’ do nhạc sỹ Lê Tự Minh sáng tác. Sự kết hợp giữa nghệ sĩ Nga và tác phẩm âm nhạc của Việt Nam đã tạo ra một điểm nhấn đầy ý nghĩa trong chương trình ’Những Viên Ngọc của Âm Nhạc Nga và Việt Nam’.
Chương trình 'Những Viên Ngọc của Âm Nhạc Nga và Việt Nam' không chỉ là một dịp để trình diễn những tác phẩm xuất sắc từ hai quốc gia, mà còn là một dịp để kết nối và tôn vinh những giá trị văn hóa, nhân văn chung của cả hai dân tộc. Sự xuất hiện của Anna Aglatova và bản romance 'Về Bên Mẹ' đã làm cho chương trình trở nên đặc biệt hơn, góp phần thúc đẩy tinh thần hữu nghị và đoàn kết giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc.
Trong buổi biểu diễn nhạc sỹ Lê Tự Minh có chia sẻ:
Ông Lê Tự Minh: Hôm nay là một sự kiện rất là quan trọng, để các nhạc sỹ của Việt Nam được biểu diễn ở trong khán phòng lớn và đây cũng là sự kiện người Việt Nam được biểu diễn các tác phẩm của mình. Sự kiện này chính là hoạt động ngoại giao nhân dân, và được hữu nghị Việt – Nga đồng hành tổ chức. Rất hay là sự kiện này diễn ra vào thời gian rất quan trọng, đó là thời gian 70 năm chiến thắng điện biên phủ và 79 năm chiến thắng phát xít đức, đây là sự kiện lớn của cả 2 dân tộc, đánh dấu bước phát triển lớn của 2 nước Nga - Việt. Chúng tôi và Chủ tịch hội nhạc sỹ Nga rất vinh dự để được đóng góp đúng với công sức của mình để nói lên tiếng nói của những người yêu hoà bình và tình đoàn kết của 2 dân tộc, và chúng tôi cũng tự trao đổi với nhau là chúng ta làm được gì cho tình yêu giữa 2 dân tộc là chúng ta sẽ làm, chúng ta làm được gì cho âm nhạc thế giới là chúng ta sẽ làm, mặc dù tôi biết chúng tôi còn rất là nhỏ nhoi trước các bậc anh tài của của Việt Nam và Nga, nhưng dù lớn hay dù nhỏ thì mình vẫn phải cố gắng đóng góp.
Phóng viên: vậy anh định nghĩa như thế nào là giá trị nghệ thuật của show diễn ?
Ông Lê Tự Minh: Giá trị nghệ thuật ở đây trước hết nói về mặt chuyên môn, những tác phẩm được trình diễn ở đây hoặc những tác phẩm của các tác giả được trình diễn ở đây phải được giới chuyên môn đánh giá cao. Và thứ 2 nữa, nó phải có một ý nghĩa nào đó, ý nghĩa về ngoại giao, ý nghĩa về chính trị, thế thì các tác phẩm của chúng tôi đều là những tác phẩm cố gắng phải đặt được những tiêu chí đó và đặc biệt hơn nữa là kết nối tình đoàn kết của 2 dân tộc, tình bạn và đó là điều mà chúng tôi còn nghĩ tới và còn phải làm nữa.
Phóng viên: Anh tâm đắc nhất tác phẩm nào trong chương trình ngày hôm nay?
Ông Lê Tự Minh: Hôm nay thì tôi được lựa chọn 3 tác phẩm.
Tác phẩm thứ nhất là tác phẩm “Ơi con sông Vòm Cỏ” , tác phẩm tôi viết từ con sông Vòm Cỏ nó chảy qua Tiền Giang, chảy qua Long An, chảy qua phần của TP.HCM, cái dòng sông êm đềm mà ở đâu trên Việt Nam mình cũng có nhưng tôi bắt đầu viết từ những người dân Nam Bộ, đó là tác phẩm mà tôi cũng rất thích khi tôi viết.
Tác phẩm thứ 2 là tác phẩm “Về bên mẹ” là tác phẩm viết về tình cảm của người con đối với người mẹ, vì mẹ tôi cũng đã mất rồi. Thật ra đó cũng chính là tình cảm của con người đối với quê hương đất nước, là những hình ảnh của người mẹ ngày xưa.
Tác phẩm thứ 3 là tác phẩm “Hồi sinh” thì có lẽ đây cũng là tác phẩm mà tôi thích nhất. “Hồi sinh” là tác phẩm viết về cuộc sống vươn lên từ những đám cháy của rừng, từ những khô cằn của đồng cỏ, từ bệnh dịch. Và nói thật, khi tôi viết bài là tôi nghĩ đến hình ảnh nước Nga. Nước Nga vào mùa đông tất cả cỏ cây đều chìm trong băng giá lụi tàn nhất, nhưng cứ đến mùa xuân là tự ở đây đó nó mọc lên, nó là một sức sống hồi sinh, sự hồi sinh mãnh liệt của con người, của thiên nhiên, của người Nga và của nhân dân Việt Nam và đó là cái điều mà tôi muốn nói. Khi mà tôi viết bất kì ca khúc nào nó đều có chủ đề, bài hát này nói lên sự khổ sinh của con người, khi bệnh dịch Covid, chúng ta đừng bi quan rồi cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đó là điều cũng như là chương trình mà tôi muốn nói hôm nay. Và xin cảm ơn Thông Tấn Xã, câu hỏi của Thông Tấn Xã rất sâu sắc.