Duyên tình với nước Nga
- Ngày đăng: 24-09-2024
- Lượt xem: 84
Được sinh sống và học tập ở nước Nga suốt 9 năm, không chỉ mang lại cho nhạc sĩ Lê Tự Minh kiến thức, trải nghiệm, bằng cấp; mà còn nuôi dưỡng tâm hồn đa cảm của mình. Để sau này, khi trở thành doanh nhân thành đạt, bận rộn với công việc nhưng anh vẫn sáng tác đều đặn, nổi bật là thơ và nhạc.
Chuyện đời Lê Tự Minh kể ra thì rất nhiều ngã rẽ, ở nhiều “vai”: Học kinh tế rồi được tuyển dụng làm giảng viên ở Học viện Phòng không-Không quân, đi du học ở Liên Xô và bảo vệ luận án tiến sĩ, xuất ngũ trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện anh là Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư IMG. Giữa những giờ phút căng thẳng thương trường, Lê Tự Minh tìm đến với việc sáng tác thơ và nhạc.
Anh đã dịch hơn 40 bài hát Nga sang lời Việt; trong đó có những bài hát nổi tiếng như: “Chào mẹ”, “Hoa kalina đang nở”, “Đàn sếu”... Nhiều bài hát nước ngoài được anh dịch ra lời Việt thành công, trong đó có ca khúc “Bonjour Vietnam” (Xin chào Việt Nam) giờ đã trở nên rất gần gũi.
Nhiều bài thơ của anh được các nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Xuân Phương, Tuấn Phương...; trong đó, bài thơ “Nhà em ở lưng đồi” được Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh phổ nhạc trở nên nổi tiếng, quen thuộc với khán giả cả nước.
Ca sĩ Anna Aglatova, một trong những giọng nữ cao đẹp nhất nước Nga đã trình diễn hai bản romance “Hồi sinh”, “Về bên mẹ” của nhạc sĩ Lê Tự Minh. Nhạc phẩm thứ ba “Ơi con sông Vàm Cỏ” cho nhạc cụ cello ngập tràn âm thanh dìu dặt và trong sáng, do nghệ sĩ Boris Lifanovsky, chỉ huy Tứ tấu cello của Nhà hát Bolshoi trình diễn tác phẩm này cùng dàn nhạc. Khi buổi biểu diễn kết thúc, nhà soạn nhạc R. Kalimullin mời nhạc sĩ Lê Tự Minh lên sân khấu. Tiếng vỗ tay xúc động vang dội cả khán phòng lớn. Rất đông khán giả ở lại sau buổi hòa nhạc để chúc mừng hai nhạc sĩ R. Kalimullin và Lê Tự Minh. Doanh nhân Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt tại Nga rất xúc động, cho biết: “Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn hoạt động văn hóa của người Việt Nam như hôm nay”. |